Lễ Hội Nghinh Ông là lễ hội cúng cá Ông của ngư dân các tinh miền ven biển Việt Nam
Đây là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang.
Lễ hội nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thủy tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung.
Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên. Ở mỗi địa phương, lễ hội nghinh Ông diễn ra vào một thời điểm khác nhau ở dọc theo vùng biển Nam Bộ, ngư dân đã lập ra nhiều lăng, miếu thờ cá Ông như ở Xuyên Mộc, Phước Tĩnh (huyện Long Đất), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ – thành phố Hồ Chí Minh), ở Vàm Láng (Gò Công – Tiền Giang), ở các xã Vang Quới, Thới Thuận, Thừa Đức, Bình Thới, Bình Đại, Bảo Thạnh, Tân Thủy (Bến Tre), Vĩnh Luông (Trà Vinh), Ngọc Hiển (Minh Hải – Cà Mau) v.v…
Cũng có nơi người ta thờ cá Ông ngay trong đình làng như đình làng Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) nơi đó có bộ xương cá Ông dài 12 mét. Lăng thờ cá Ông ở Vũng Tàu tọa lạc trong khuôn viên ngôi đình làng Thắng Tam và nơi đây có 3 sắc thần của Vua phong “Nam hải đại tướng quân (hai sắc thần đời Thiệu Trị năm thứ V và một sắc thần đời Tự Đức thứ III), ở đây có thờ những bộ xương cá Ông lớn nhỏ khác nhau.
Lễ hội chính là dịp để thỏa mãn nhu cầu đền ơn, báo nghĩa. Lễ hội Nghinh Ông có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân, là sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của cộng đồng. Lễ hội góp phần cố kết cộng đồng, là sợi dây liên kết mọi người, cùng thờ cúng chung một vị thần linh và cùng vui chung trong những trò diễn.
Lễ hội Nghinh Ông đáp ứng nhu cầu tâm linh và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng; bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hướng về nguồn cội, tưởng nhớ những người có công khai khẩn vùng đất (tiền hiền, hậu hiền), các diễn xướng dân gian. Lễ hội Nghinh Ông góp phần phát triển kinh tế thông qua thu hút khách du lịch qua các hoạt động như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.
Với giá trị tiêu biểu Lễ hội Nghinh Ông được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.